Bí Quyết đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS


Bản thân mình thực sự chưa có nhiều kinh nghiệp lắm vì mình mới trải qua 1 lần thi nên hôm nay mình share cho các bạn bài viết bí quyết và mẹo hay để bạn có thể đạt điểm cao kỳ thi IELTS cả 4 kỹ năng bản thân mình thấy rất hay và đúng. Hi vọng có thể giúp ích cho mọi người!

  • Nghe :  Đây là kĩ năng đầu tiên mà các bạn sẽ chạm trán khi chinh phục đề thi IELTS vì vậy nếu như làm tốt phần này thì tinh thần để trường kì kháng chiến sẽ dâng lên rất nhiều ở những giây phút tiếp theo.

Ngay khi tờ giấy đề thi được phát ra và có yêu cầu mở đề thì các bạn hãy đọc lướt qua thật nhanh tất cả các câu hỏi và cố gắng dự đoán các câu trả lời có thể của câu hỏi đó, ví dụ như thông tin về tuổi của 1 học sinh cấp 3 thì tuy không thể biết chính xác nhưng cũng có thể đoán là khoảng chừng 15,16 chứ không thể nào 51 hay 61 được :-j ; nếu không thì chí ít cũng phải đoán được đấy là loại từ gì ( danh từ, tính từ, động từ hay mạo từ, đại từ hay thậm chí là con số ) và tất nhiên là phải dùng suy luận của mình để đoán 1 cách hợp lí. Việc đoán này lợi thế là sẽ giúp bạn khoanh vùng được câu trả lời xuống và dễ dàng lựa chọn được đáp án đúng hơn. Ví dụ : bạn nghe được người ta giới thiệu thông tin về một người mẫu đi thi hoa hậu, nghe đến đoạn người ta giới thiệu về chiều cao của chị ấy, nhưng bạn lại không nghe ra là “ one meter seventy “ hay “ one meter seventeen “ thì bạn cũng có thể – bằng logic mà khẳng định rằng : chả có con chân dài nào đi làm hoa hậu mà lại “ xê vần tin “ cả =)) ( có mà siêu lùn cũng khó tới :)) ) , chỉ có thể là “ xê vần ti “ thôi vì vậy bạn cứ “ 1m70 “ mà “ giã “ vào đáp án .

1 loại câu hỏi nữa : “ Làm thế nào để biết khi nào cần thêm ‘ s ‘ ?  “  Anh Bùi Hải Anh đã trả lời : “  Tập nghe số ít số nhiều, cái này là căn bản nhất. Đoán khi nghe, nếu có a/an thì sẽ là số ít, không có thì khả năng là số nhiều. Kết hợp đoán ý với thông tin trong bài điền, sẽ tìm ra cái hợp lí hơn; ví dụ khi nói đến nhiều thứ tương tự nhau thì khả năng sẽ đều là số ít hoặc đều là số nhiều. “ Quá chính xác =d> , mình không có gì để bình luận thêm.

Khi các bạn không nghe được 1 câu nào đó thì tất nhiên hãy mạnh dạn bỏ qua mà nghe câu khác chứ đừng có cố bám lấy nó mà bỏ lỡ các câu tiếp theo. 1 lời khuyên nữa đó là các bạn hãy tập trung nghe hết toàn bộ cả bài chứ đừng nên nghĩ là qua câu hỏi cuối cùng là thôi nghỉ, khỏi nghe bởi vì sẽ có một số trường hợp người ta lặp lại đáp án cho câu hỏi trước đó mà bạn bị lỡ đấy nhé.

1 điều nữa, đó là cái tập đề thi họ phát cho các bạn mà làm thẳng vào đấy thực ra chỉ là tờ nháp, khi các bạn chuyển tất cả đáp án sang tờ giấy làm bài thì tờ giấy làm bài mới được chấm điểm. Vì vậy không nhất thiết các bạn phải nắn nót hay ngây thơ viết đúng chính tả từng chữ làm gì cho mất thời gian mà lại lỡ câu tiếp theo, các bạn có thể dùng một vài cách viết tắt rất thông dụng ví dụ như sau: sth ( something ), abt ( about ) , 800k ( 800,000 ) , 8/3/1977 ( 8th  March , 1977 ) , w/ ( with ) , pls ( please ), o ( not ), yrs ( years ) , s.o ( someone ) … hoặc các bạn có thể tự nghĩ ra các cách viết khác tùy các bạn miễn sao các bạn hiểu là được rồi, nhưng nhớ là khi chuyển sang tờ giấy làm bài thì phải ghi đầy đủ chữ, đúng chính tả ra nhé.

  • Đọc :  Kinh nghiệm của mình trong phần này quả thật cũng không khác mấy với các bậc tiền bối, đọc tựa đề của bài đọc xong chuyển sang câu hỏi luôn sau đó tìm đáp án dần trong bài đọc, làm các câu hỏi nhỏ, chi tiết trước khi làm dạng nối chủ đề . Ngày đầu tiên mình cứ đụng là quất thôi nên không để ý thứ tự nên làm loại nào trước nhưng sau đó đọc được chiêu này của 1 cao thủ trên mạng, mình áp dụng theo và thấy quả thật tốc độ hoàn thành bài làm của mình có dấu hiệu tăng lên.

Khi các bạn đọc lướt tìm ý thì các bạn nên chú ý dựa vào các từ khóa của câu hỏi để xác định đúng cái đoạn cần tìm cho nhanh, các từ mà mắt các bạn nên quan tâm đầu tiên thường là : danh từ riêng, số liệu hay 1 từ chuyên ngành nào đấy trong bài đọc. Đặc điểm chung của mấy từ trên là chúng không thay đổi về cách sử dụng nên khá dễ tìm. Sau đó thì các bạn mới nên chú ý đến các tính từ hay động từ, khi tìm thì phải nhớ là họ sẽ sử dụng từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa đấy nhé. Đặc biệt phải lưu ý đến các trợ động từ, ví dụ như : almost, hardly, only, all, every … , bẫy nằm hết ở những chỗ đấy, cực kì nguy hiểm.

Các bạn nên dựa vào kiến thức trong bài mà trả lời chứ đừng nên tỏ ra hiểu biết mà đánh theo ý riêng của mình nhé.

Khác với phần nghe thì phần này các bạn sẽ không có thời gian chuyển sang tờ giấy đáp án nên trong khi làm bài, các bạn hãy dò đúng thứ tự câu hỏi rồi ghi thẳng luôn vào tờ đáp án, đừng có ghi vào tờ đề làm gì rồi tí nữa chuyển sang lại mất thời gian vì mình phải ghi 2 lần.

=> Quy tắc chung cho cả 2 phần này là đừng nên bỏ qua bất kì 1 câu hỏi nào cả, không biết thì đoán, đoán không được thì cứ ghi bừa vào ( tên bạn chẳng hạn ) chứ đừng nên bỏ trống, bởi vì sai thì không bị trừ điểm mà ngộ nhỡ đúng thì … =d> .

  • Viết :  Đây là phần thể hiện rõ nhất phương châm “ Tùy cơ ứng biến ” của mình. Trước ngày thi, việc mình làm là coi nhẹ tính chất phần này 1 cách tối đa : bài 1 thì chẳng qua là phân tích biểu đồ địa lí ( nếu ra dạng quá trình thì thôi coi như đời mình quá đen :(( ), bài 2 dịch ra tiếng Việt Nam là văn nghị luận xã hội. 2 cái loại này học phổ thông làm phát chán ra rồi, có chăng điều khác biệt là phải viết bằng tiếng Anh và phần phân tích biểu đồ thì vì là bài văn nên không được gạch đầu dòng và không được lặp lại nguyên xi đề bài.

Điểm của mình đi thi phần này : mùng 10 : 5.5, mùng 17 : 6.0 ( khỏi hiểu tại sao luôn :D ). Quả thật mình không có kinh nghiệm gì để chia sẻ về cách làm phần này cả, chỉ nhắc lại các bạn về quy tắc viết số của người nước ngoài thôi : trong khi 9,000 là con số chẳng mang ý nghĩa quái gì thì 9.000 là điểm số các bạn sẽ đạt được sau khi đọc xong bài viết này ^o^

  • Nói :  Đây là phần thi với thời lượng ngắn nhất ( khoảng 10 – 15 phút ) nhưng lại là phần đau tim nhất đối với rất nhiều các sĩ tử. Lời khuyên bổ ích với các bạn đó là các bạn hãy cố gắng tỏ ra càng tự nhiên càng tốt, coi như đây là 1 buổi nói chuyện bình thường hàng ngày , mặt mũi đừng lộ vẻ căng thẳng hay lo lắng quá, nói năng trôi chảy, từ từ và vừa phải. Rất có thể các bạn sẽ thi vào tầm trưa chiều nên có thể sẽ khá buồn ngủ, các bạn nên chuẩn bị tốt ngay từ tối hôm trước bằng cách đi ngủ thật sớm, ngủ thật sâu và dài chứ đừng để lúc đang nói mà … ngáp thì khó đỡ lắm nhá các bạn. Trước khi thi, các bạn nào chu đáo thì có thể uống 1 ngụm nước, hoành tráng thì làm 1 chai Fristi, nhai Double Mint cho thơm miệng, sảng khoái. Vào phòng thi, ngồi xuống lập tức các bạn hãy trấn tĩnh lại tinh thần, hít một hơi thật sâu, nuốt nước bọt vào cổ, đầu hướng thẳng về phía trước, cười tươi như ( Minh ) hoa :D, hỏi câu gì chém câu nấy.

Khi vừa vào phòng thi thì các bạn lưu ý là đầu tiên người ta sẽ hỏi tên họ đầy đủ của bạn, câu trả lời của bạn phải thật ngắn gọn : “ My full name is … “ rồi chấm hết  chứ đừng nên thêm thắt linh tinh bởi vì lúc này chưa phải lúc bắt đầu giờ thi, họ hỏi chỉ là để xác nhận đây đúng là thí sinh dự thi hay không thôi. Chỉ khi nào giám khảo bật băng ghi âm và giới thiệu : “ This is the IELTS Speaking test number 123456 , the candidate’s name is … , the examiner’s name is … , number 654321 … “ thì mới là lúc chính thức bắt đầu màn “ tra tấn “ của các bạn, sau câu này người ta lại hỏi lại “ What is your name ? “ thì đây mới là thời điểm các bạn huyên thuyên “ My name has a very special meaning … “

Phần 1 của bài thi có thể coi như là phần khởi động, cho các bạn “ nóng “ lên, các câu hỏi nhìn chung cũng khá đơn giản, không quá phức tạp vì vậy các bạn nên cố gắng làm thật tốt phần này để lấy tinh thần cho 2 phần kế. Vì là những câu hỏi khá thường thức nên trong phần này không nhất thiết lắm các bạn phải đưa những từ vựng đại bác vào, trái lại càng “ đường phố “ càng tốt, nhưng nói như thế không có nghĩa là cứ “ I think “ với “ I like “ suốt nhé, mà phải thay đổi nhiều : I reckon, I suppose, I believe, I agree, I am fond of, I enjoy, My interest is , … ; ý mình là từ vựng trong phần này không cần thiết phải quá khó nhưng cần phải đa dạng và phong phú. Đến phần 2 và 3 mới là lúc tung võ nghệ thật sự ra, không cần nhiều nhưng cần phải chính xác, đúng hoàn cảnh.

Các bạn cũng cần nhớ rằng tính chất bài thi là 1 cuộc nói chuyện thông thường, giống như bạn bè nói chuyện hằng ngày với nhau chứ không phải 1 buổi thuyết trình hay diễn thuyết trước đám đông nên hoàn toàn các bạn có thể đưa những từ long vào trong bài nói của các bạn. Mình thấy rằng nhiều bạn đi thi hay bị cạn ý tưởng, nói không hết hoặc có những chỗ ngắt quãng, lúc đó thói quen xấu mà các bạn thường hay làm đó là : ờ, ừm hoặc im lặng => không tốt đâu nhé. Các bạn nên lấp những khoảng trống như vậy bằng các từ lóng, ví dụ như : you know, I mean, actually, in fact, stuff like that, something like that … Ưu điểm của mấy từ này là sẽ làm cho giọng bạn nghe giống người bản xứ hơn và sẽ giúp các bạn ăn điểm cao hơn với điều kiện là các bạn đừng nên lạm dụng nó quá nhiều, hơn nữa cũng nhằm kéo dài thời gian để bạn suy nghĩ ý mà nói tiếp. Theo mình mật độ phù hợp là 4 câu 1 từ lóng. Nhược điểm của cái này là thời gian kéo dài lại không được nhiều bởi vì buộc lòng các bạn phải nói rất nhanh mấy từ lóng này để đảm bảo nói giống người nước ngoài.

Xử lí thế nào khi đụng phải các câu hỏi khó ? Có 1 kĩ thuật khá hay đó là : hỏi lại giám khảo. Không phải các bạn không nghe rõ giám khảo họ hỏi gì mà là các bạn cảm thấy mình không thể nào nghĩ ngay ra được ý để trả lời, các bạn giả vờ điếc rồi hỏi lại nhằm kéo dài thời gian suy nghĩ hơn. Cái cách hỏi các bạn cũng cần phải lưu ý : làm sao có thể câu giờ được mà vẫn đảm bảo tính lịch sự. Lỗ mãng nhất là các bạn phản ứng theo thói quen: “ What ? “ => cực kì bất lịch sự đấy nhé. Các bạn cần phải bình tĩnh, nghe xong rồi nhẹ nhàng mà hỏi lại : “ I am sorry but could you repeat the question for me ? “ . Tất nhiên không phải câu hỏi nào các bạn cũng hỏi lại bởi vì nhiệm vụ của bạn là trả lời chứ không phải chất vấn, lạm dụng sẽ khiến cho điểm các bạn tụt xuống đấy nhé. Theo mình chỉ nên sử dụng kĩ thuật này tối đa 2 lần, ông bà ta đã dạy : “ Quá tam ba bận ”  mà. 1 tuyệt chiêu nữa đó là : trả lời thẳng rằng “ Tôi không biết “ . Cơ sở để hình thành tuyệt chiêu này là dựa vào cách chấm điểm của giám khảo, họ sẽ không chấm dựa trên ý bạn nói mà dựa trên ngôn ngữ bạn phát ra. Vì vậy các bạn có thể trả lời theo cách khác miễn sao vẫn phải đạt được yêu cầu về độ lưu loát, từ vựng, ngữ pháp và phát âm. Điều này có nghĩa các bạn hoàn toàn có thể nói : “ I don’t know “ nhưng các bạn phải tìm cách làm sao kéo dài câu trả lời đó ra cho nó trơn tru một chút, mình lấy ví dụ như thế này ( câu này là bản quyền của mình :D ) : “ Actually, this question is beyond my knowledge as I have not discovered about this issue so far. Probably after this test, I will look for more information about this and try to reply to you as soon as possible. “ ( Tuyệt vời => chin chấm => vỗ tay => bốp bốp bốp =)) ) . Tuy nhiên các bạn chỉ nên sử dụng nó trong những trường hợp thực sự cần thiết và chỉ nên dùng đúng 1 lần duy nhất mà thôi. Theo mình thích hợp nhất là vào phần 3, phần 2 thì sống chết gì các bạn  cũng phải trả lời được, còn phần 1 thì các câu hỏi không đến nỗi quá khó để dùng tuyệt chiêu này, ví dụ như họ hỏi : “ Oát ịt gio nêm ? “ mà lại kêu “ Câu hỏi này vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi “ thì thôi không còn gì để nói luôn. :-j

Bây giờ mình sẽ chỉ các bạn thêm 1 vài thủ thuật ngôn ngữ cơ thể để gây ấn tượng với giám khảo, mấy cái này thật khó để có thể diễn tả bằng chữ cho các bạn hiểu được nhưng thôi mình cứ cố gắng hết sức vậy. 1 đặc điểm chết người của các vị giám khảo yêu quý đó là đôi mắt … lửa điện của họ, liên tục bắn vào mặt các bạn không dứt ra làm đa phần các sĩ tử phải tử sĩ nơi sa trường. Nếu các bạn muốn đấu mắt lại thì mình nói rằng đó là việc làm vô ích , cả đời họ đã được rèn luyện cho việc này rồi các bạn à . Để đảm bảo yêu cầu lịch sự mà vẫn không bị phân tâm bởi giám khảo, các bạn không nên lúc nào cũng nhìn thẳng vào mặt họ khi nói, thỉnh thoảng đầu các bạn lại cúi xuống ( thích hợp là 10 độ ) , mắt các bạn nhìn vào cổ họ hoặc quay nhẹ hướng sang các khu vực xung quanh, xong ngước lên nhìn vào mặt họ chém thêm vài câu rồi lại cúi xuống, cứ như thế mà làm. Ngoài ra thì đôi tay của bạn cũng cần phải hoạt động, các bạn có thể xoay tay của mình khi đề cập đến các từ lóng, giơ 1 ngón trỏ ra để ra hiệu chuẩn bị nói sang phần khác hay bắt đầu 1 đề tài nào đấy, làm động tác đếm ( 1 tay lần lượt đưa ra từng ngón và ngón trỏ tay kia cũng theo thứ tự chạm vào các ngón đó ) khi các bạn liệt kê hay nêu 1 vài ví dụ nào đấy; tuyệt nhiên các bạn đừng có làm cái trò bẻ tay nhé, giám khảo sợ lắm, không hiểu nên họ có thể tưởng mình bị gãy tay đấy =)) , vả lại nó cũng không được lịch sự lắm. Mấy cái này thì khi nào các bạn gặp mình mình có thể chỉ thêm hoặc các bạn có thể xem lại “ Giáo sư Cù Trọng Xoay “ cho dễ hình dung, đây là ví dụ điển hình nhất. Tuy nhiên các bạn chỉ nên coi đây là yếu tố phụ, có thì càng tốt, không có thì thôi chứ đừng tập trung luyện mấy cái này bởi công việc chính của các bạn vẫn là nói.

Khi thi xong rồi, giám khảo sẽ ra hiệu kết thúc : “ This is the end of your speaking test. Thank you for … . Goodbye . “, sau đó tắt băng ghi âm. Câu trả lời của bạn cũng rất đơn giản : “ Goodbye “ kèm 1 nụ cười xong đứng dậy ra khỏi phòng thi luôn, tuyệt đối đừng có lèm bèm : “ Do you think my performance was good ? “ hay “ Could you tell me my score ? “ . Mình rất thông cảm với các bạn có tâm trạng lo lắng, sốt ruột sẽ gần như chỉ muốn bật ra câu đấy, tuy nhiên đó lại là một động tác rất chi là dở bởi giám khảo chắc chắn sẽ không thể đưa ra câu trả lời cho bạn, ngược lại sẽ còn ảnh hưởng tâm lí bạn nặng nề hơn.

Mình xin chia sẻ điểm nói của mình trong 2 ngày thi , mùng 10 : 7.0 , mùng 17 :6.0 . :D  ( mùng 17 mình đã mắc 1 vài sai sót về từ vựng và phát âm nên nó mới như thế  :(  ) .

Mình đã chia sẻ hết tất cả những kĩ thuật mà mình biết để đối phó khi làm bài thi IELTS, rất mong phần nào sẽ giúp các bạn gặt hái được điểm cao hơn.

Qua bài viết này, mình cũng muốn gửi gắm các bạn 1 điều. Như các bạn đã biết thì tiếng Việt là một ngôn ngữ cực kì hay và phong phú, hơn nữa đó lại là tiếng mẹ đẻ của chúng ta, vì vậy mỗi một con người Việt Nam ta nên tự hào về vốn tiếng Việt mà mình đang có, đồng thời thúc đẩy các hình thức bảo tồn chúng. 1 hiện trạng khá đáng buồn đối với những người học ngoại ngữ đó là việc họ thích chêm những từ Tây vào trong bài nói hay bài viết của họ, coi rằng như vậy là sang trọng, hoành tráng. Thật đáng tiếc ! Các bạn nên nói như thế này : “ Ừ ừ ừ, để có gì chị sẽ kiểm tra xem sổ tiết kiệm vàng có được chấp nhận không em nhé ? “ chứ đừng nên nói : “ Ừ ừ ừ, để có gì chị sẽ check xem cái sổ tiết kiệm vàng có được không ? “, lại càng không nên : “ Để có gì chị sẽ check xem cái gold saving book có available hay không rồi confirm với em nhé ? “ => nghe đau đớn lắm các bạn ạ. Các bạn học ngoại ngữ, thành thạo sử dụng chúng, đó là 1 điều tốt và “ Hãy để ngoại ngữ sống với các bạn, nhưng các bạn hãy kiểm soát chúng, chứ đừng để chúng kiểm soát các bạn. “ Đó là thông điệp mình muốn nhắn nhủ với tất cả những người Việt Nam đang đọc bài viết này.
Theo dõi Blog để cập nhật bài viết mới nhất nhé :v
Share on Google Plus

About Ngân hàng BIDV Việt Nam

Đây là Blog chia sẻ tài liệu học tập, phần mềm, ebook hay hoàn toàn miễn phí. Mình hi vọng mọi người tôn trọng tác giả khi đăng bài ở nơi khác nhớ để lại NGUỒN TRÍCH DẪN. Hi vọng mọi người sẽ thường xuyên ghé Blog của mình nhé.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét